Những năm gần đây, những lầm tưởng về trẻ đặc biệt, hay hội chứng tự kỷ đã được xóa nhòa đi nhiều bởi sự quan tâm từ cộng đồng, các cơ quan ban ngành và nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những lầm tưởng “tai hại” đối với trẻ đặc biệt được truyền tai nhau trong cộng đồng, từ đó tạo ra những mâu thuẫn không đáng có, hoặc cản trở con đường phát triển của trẻ đặc biệt. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị hiểu lầm, bắt nạt.
Qua quá trình tìm hiểu, VICA xin tổng hợp 9 lầm tưởng về trẻ đặc biệt thường thấy. Hy vọng bài viết sẽ giúp người đọc có góc nhìn chính xác hơn về trẻ tự kỷ. Bài viết cũng được dựa trên nghiên cứu của Trung tâm Autism Resource Center (ARC) tại Úc.
HIỂU LẦM |
SỰ THẬT |
---|---|
Trẻ đặc biệt có xu hướng tránh né giao tiếp xã hội. | Trẻ đặc biệt rất mong muốn kết bạn nhưng lại gặp khó khăn trong việc giao tiếp. |
Trẻ đặc biệt không thể tự lập và có một cuộc sống thành công. | Nếu được giáo dục một cách phù hợp, trẻ đặc biệt có thể phát triển để trở thành những người có ích cho xã hội. |
Rối loạn phổ tự kỷ bắt nguồn từ phương pháp giáo dục sai của cha mẹ. | Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc giáo dục của cha mẹ không là nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ, mà là do một sự phát triển bất thường của não bộ ngay từ trước khi trẻ ra đời. |
Tất cả người có rối loạn phổ tự kỷ đều có năng khiếu đặc biệt. | Theo thống kê, có khoảng 10% người tự kỷ có những khả năng đặc biệt trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, tính toán, ghi nhớ và khéo léo. Tuy nhiên, phần đông hơn sẽ có những mối quan tâm, sở thích, đam mê đặc biệt với những lĩnh vực cụ thể. Những kỹ năng này được gọi là những kỹ năng rời rạc vì chúng không đồng bộ với những kỹ năng phát triển thông thường. |
Rối loạn phổ tự kỷ có thể chữa khỏi | Hiện tại không có tài liệu nào ghi nhận về việc tự kỷ có thể chữa khỏi. Những người có rối loạn phổ tự kỷ có thể cải thiện về mặt phát triển nếu được can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt và định hướng nghề nghiệp phù hợp, tập trung vào những cách học khác nhau của từng trẻ. |
Người có rối loạn phổ tự kỷ không giao tiếp mắt. | Khi người có rối loạn phổ tự kỷ cảm thấy thư giãn và tự tin với người đối diện, việc giao tiếp mắt sẽ càng gia tăng. Chính vì vậy, đừng ép trẻ đặc biệt phải giao tiếp mắt với bạn nếu trẻ chưa thực sự sẵn sàng và thoải mái. |
Người có rối loạn phổ tự kỷ không thể nói. | Giao tiếp đòi hỏi nhiều hơn nói. Một số trẻ đặc biệt có thể phát triển lời nói không có trở ngại nào, tuy nhiên lại cần sự hỗ trợ để có thể giao tiếp với bạn bè. Những trẻ khác có thể sẽ cần hỗ trợ để giao tiếp về những nhu cầu cơ bản hay mong muốn, kết hợp từ ngữ và cử chỉ cũng như hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh như PECS. |
Khi lớn lên, trẻ có thể phát triển bình thường và không còn tự kỷ | Rối loạn phổ tự kỷ không thay đổi khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên những hành vi có thể được giảm đi hoặc thay đổi nếu trẻ nhận được sự can thiệp phù hợp. |
Người có rối loạn phổ tự kỷ không có cảm xúc và vì vậy không thể biểu hiện tình cảm. | Những người có rối loạn phổ tự kỷ có thể biểu hiện tình cảm. Tuy nhiên, vì những sự khác biệt về cảm giác và nhận thức về xã hội, việc biểu hiện tình cảm có thể diễn ra đối với những người cụ thể. Việc thấu hiểu và chấp nhận những khác biệt này của những người có rối loạn phổ tự kỷ là chìa khóa để chúng ta hỗ trợ họ tốt hơn trong cuộc sống. |
Đọc thêm về:
CÁC PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP SỚM DÀNH CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ THƯỜNG GẶP