Các phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp

Phụ huynh khi có con được kết luận mắc rối loạn phổ tự kỷ chắc chắn sẽ có những lo lắng, căng thẳng riêng và có thể gọi là một “cú sốc” về mặt tinh thần. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng mỗi trẻ đều có những thế mạnh riêng cũng như khiếm khuyết, và trẻ đặc biệt cũng không ngoại lệ.  

Đã có nhiều phương pháp can thiệp ra đời để hỗ trợ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hay trẻ đặc biệt có thể học tập những kỹ năng mới và vượt qua vô vàn thách thức ở từng giai đoạn phát triển. Những phương pháp này không nhắm đến việc điều trị ASD mà thay vào đó, chúng giúp trẻ củng cố những năng lực cần thiết để hòa nhập và vui chơi, học tập cũng như sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày với những kỹ năng thích nghi.  

Các phương pháp can thiệp sớm  

Khi bàn đến các phương pháp can thiệp, hiện tại, chúng ta có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau cũng như phương pháp can thiệp rối loạn phổ tự kỷ. Một số phương pháp tập trung vào hành vi, xây dựng kỹ năng xã hội và giao tiếp; trong khi một số khác giúp trẻ giải quyết các vấn đề về cảm giác, vận động, cảm xúc và vấn đề ăn uống. 

Đứng trước rất nhiều lựa chọn, việc phụ huynh cần làm là nghiên cứu nhiều tài liệu và chắc chắn phải có sự tư vấn cùng với các chuyên gia can thiệp, trị liệu tâm lý về vấn đề của trẻ lẫn phụ huynh đang gặp. Khi tìm hiểu về những phương pháp can thiệp rối loạn phổ tự kỷ, phụ huynh sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin khác nhau cũng như đặt ra nhiều câu hỏi thắc mắc về hiệu quả và phương pháp thực hiện.  

Tuy nhiên, VICA tin rằng không có việc chúng ta chỉ có thể lựa chọn một phương pháp duy nhất để can thiệp cho trẻ trong cả quá trình. Mục tiêu của những phương pháp này đều nên nhằm mục đích đến việc can thiệp cho trẻ trên những biểu hiện và nhu cầu vô cùng đa dạng khác nhau và riêng biệt đối với từng trẻ. 

Phương pháp can thiệp hành vi 

Can thiệp hành vi viết tắt là ABA, là phương pháp được sử dụng phổ biến để giúp thúc đẩy những hành vi tích cực của trẻ và giảm thiểu các hành vi không mong muốn. Hầu hết chiến lược can thiệp trong phương pháp này đều tuân thủ theo các phân tích hành vi. ABA giúp trẻ hiểu được mối liên quan giữa hành vi và kết quả. 

Đối với phương pháp can thiệp dựa trên phân tích hành vi, những nỗ lực để có được hành vi tích cực luôn luôn được củng cố. Ví dụ như một chuyên gia có thể khen thưởng trẻ khi trẻ yêu cầu trợ giúp một cách lịch sự. Bởi vì phần thưởng sẽ đi kèm với hành vi đúng đắn, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại hành động đó vào lần sau. Mặt khác, nếu trẻ bộc phát sự giận dữ, trẻ sẽ hiểu rằng mình không được nhận thưởng. 

ABA là phương pháp tiếp cận thực chứng. Phương pháp can thiệp này cũng dễ dàng ứng dụng với nhiều trường hợp trẻ vì nó đáp ứng theo nhu cầu của từng trẻ. Nhiều nghiên cứu chia sẻ phương pháp này nếu được thực hiện lâu dài và cường độ cao, có thể cải thiện cho trẻ về kỹ năng sống, kỹ năng tư duy và kỹ năng xã hội. 

Phương pháp can thiệp theo Mô hình can thiệp sớm Denver  

ESDM là cách tiếp cận hiệu quả cho trẻ từ 12 – 48 tháng và cũng được kết hợp với ABA. Những phiên làm việc này sẽ tổ chức các trò chơi và hoạt động chơi cùng phù hợp cho trẻ với chuyên viên/gia đình. Ví dụ như tập cho trẻ hát để kích âm cho trẻ, hoặc những trò chơi bắt chước cũng giúp trẻ nhận biết những bộ phận cơ thể. ESDM tập trung vào việc tạo ra những giao tiếp, tương tác tích cực; thúc đẩy kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tư duy trong suốt quá trình.  

Đối với phương pháp này, sự tham gia của phụ huynh là một phần rất quan trọng. May mắn là những chiến lược của phương pháp này đều rất linh hoạt và có thể diễn ra ngay cả ở các buổi dã ngoại hay ngay tại nhà cùng với gia đình. Chuyên gia có thể hướng dẫn phụ huynh những điều trên. Bên cạnh đó, những nghiên cứu về mặt não bộ cũng chỉ ra rằng ESDM giúp thúc đẩy khả năng ngôn ngữ lẫn kỹ năng giao tiếp và hành vi tích cực 

Phương pháp phản hồi then chốt (Pivotal Response Treatment – PRT) 

PRT là phương pháp tiếp cận dựa trên ABA và những lĩnh vực rộng hơn bao gồm động lực, tự kiểm soát và phản hồi trước những gợi ý, chủ động trò chuyện, tương tác. Bằng cách tập trung vào việc thúc đẩy phản hồi ở trẻ, PRT giúp trẻ cải thiện đáng kể trong kỹ năng tương tác xã hội và giao tiếp. 

Trong suốt quá trình can thiệp, chuyên gia sử dụng thức ăn yêu thích / món đồ chơi yêu thích trong tầm ngắm của trẻ nhưng lại ngoài tầm với để thúc đẩy nhu cầu lên tiếng và nhờ giúp đỡ của trẻ. 

PRT được sử dụng ở hình thức can thiệp cá nhân và can thiệp theo nhóm. Nghiên cứu chỉ ra rằng cả 2 hình thức đều tốt cho sự giao tiếp của trẻ. 

Phương pháp can thiệp nhận thức (Cognitive behavior therapy – CBT) 

Phương pháp can thiệp nhận thức có thể giúp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có thể đi từ tư duy đến hành vi. Chuyên gia giúp trẻ tự nhận thức, tự đánh giá và kiếm soát cảm xúc, ví dụ như căng thẳng. Phương pháp này cũng hữu ích trong việc dạy trẻ làm xử lý tình huống khó khăn và những thử thách khác trong cuộc sống. 

CBT sẽ được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của trẻ. Cách tiếp cận có thể giúp giải quyết thêm vấn đề về giấc ngủ. 

Ngoài ra vẫn còn có nhiều phương pháp, liệu pháp khác để can thiệp rối loạn phổ tự kỷ. Bên cạnh việc tìm hiểu thêm thông tin từ nghiên cứu, bài viết chuyên gia, phụ huynh nên tìm gặp chuyên gia riêng để hỗ trợ trẻ, nhất là vạch ra kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp cho trẻ trong từng giai đoạn.